trang chủ tin tức xe Kinh nghiệm Lưu ý gì khi tân trang ngoại thất ô tô?

Lưu ý gì khi tân trang ngoại thất ô tô?

Ngoại thất ô tô ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ của chiếc xe. Vai trò của ngoại thất còn giúp bảo vệ phần nội thất bên trong. Do đó, chăm sóc ngoại thất ô tô là vô cùng cần thiết, để duy trì chiếc xế yêu của bạn luôn bền đẹp.

Những lưu ý khi tân trang ngoại thất ô tô

Dưới đây là một số lưu ý không thể bỏ qua khi chăm sóc ngoại thất ô tô.

Lốp xe ô tô và la-zăng

Bề mặt địa hình di chuyển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của lốp xe ô tô. Với điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện nay, ô tô đang phải đối mặt với các cú xóc mạnh, lốp xe bị rách hay bị nổ do chịu áp lực lớn, thậm chí những cú va đập mạnh ở bánh xe có thể làm méo bộ la-zăng.

Các chuyên gia chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô khuyên rằng cứ sau khoảng 10.000km, các tài xế nên tiến hành đảo lốp xe hơi một lần, đồng thời kiểm tra và cân bằng động.

Nếu xế yêu của bạn đã vận hành khoảng 20.000 – 25.000km/năm (tương đương với 40 – 50km/ngày) thì hoa lốp sẽ bị mòn trước khi lớp cao su bị thoái hóa. Ngược lại, nếu xe được sử dụng rất ít dưới 10.000km/năm thì chất cao su sẽ bị thoái hóa trong khi hoa lốp có thể vẫn còn cao.

Bóng đèn chiếu sáng

 

Đèn xe ô tô được ví như bộ trang sức quý làm toát lên vẻ đẹp của xe. Đặc biệt trong thời nay, đèn chiếu sáng trên xe hơi ngày càng đa dạng và được lựa chọn một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, không phải lái xe nào cũng biết cách sử dụng và chăm sóc đèn xe. Được biết, tuổi thọ trung bình của đèn Halogen khoảng 450 – 1.000 giờ chiếu sáng trong điều kiện di chuyển thông thường.

ngoại thất ô tô
Đèn xe ô tô được ví như bộ trang sức quý làm toát lên vẻ đẹp của xe

Các đèn như: Xenon, HID có thể có tuổi thọ cao gấp đôi đèn Halogen và đèn LED thậm chí còn có tuổi thọ cao hơn nữa. Tất nhiên, độ bền của của bộ phận đèn xe cũng phụ thuộc nhiều vào địa hình xe thường xuyên di chuyển. Nếu bị xóc mạnh hoặc xảy ra va chạm thì bóng đèn sẽ nhanh hỏng hoặc hỏng bất ngờ.

Lời khuyên của các chuyên gia kinh nghiệm về ô tô: Cháy bóng bên vị trí lái xe nguy hiểm hơn bên phụ vì xe sẽ đối diện rất khó có thể quan sát thấy bạn. Do đó, nếu không có bóng dự phòng hay chưa kịp thay mới, tốt nhất hãy chuyển bóng bên phụ sang bóng bên lái xe. Hãy thật cẩn thận khi di chuyển trong đêm, đặc biệt là những nơi khuất tầm nhìn, cho dù xe của bạn có được trang bị hệ thống chiếu sáng tốt đến đâu.

Bóng đèn phanh

Chạy xe trên phố đông đúc rất khó tránh khỏi các va chạm bất ngờ. Tuy nhiên, các lái xe có thể hạn chế những sự cố không mong muốn này từ tín hiệu đèn phanh của xe ô tô phía trước. Bóng đèn phanh có vai trò quan trọng trong việc quyết định sự an toàn của bạn và hành khách trên xe. Hiện nay, hầu hết các loại ô tô đều sử dụng bóng đèn dây tóc làm đèn phanh, trừ một vài dòng xe cao cấp sử dụng đèn LED.

 

Theo lời khuyên của các chuyên gia có kinh nghiệm về lái xe ô tô, khi ngồi trong xe và chạy trên đường, tài xế sẽ rất khó để phát hiện đèn phanh của mình có hoạt động hay không trừ khi xe được trang bị hệ thống cảnh báo sự cố. Vì thế, bạn có thể tự phát hiện bằng cách lùi xe gần sát vào một bức tường (cách khoảng 50cm), sau đó đạp phanh và quan sát qua gương chiếu hậu. Hoặc đạp phanh trong bóng tối cũng là một cách phát hiện dễ dàng, hay tốt nhất là nhờ một ai đó quan sát giúp khi bạn đạp chân phanh.

Cần gạt mưa

Mùa mưa đến là lúc cần gạt mưa phải làm việc rất vất vả cũng như phải đối mặt trực tiếp với sự khắc nghiệt của thời tiết. Nếu ô tô thường xuyên bị phơi nắng, lưỡi gạt mưa có thể sẽ bị hỏng, giảm hoặc mất chức năng chỉ sau 2 năm sử dụng. Không khó để nhận thấy cần gạt mưa hỏng khi nước không được gạt sạch, gạt bị vấp và phát ra tiếng kêu trong suốt quá trình di chuyển trên kính lái.

Lời khuyên dành cho các lái xe là không nên cố bật cần gạt mưa khi kính bị khô. Vì trong trường hợp này, sẽ xuất hiện lực ma sát lớn giữa lưỡi gạt mưa và kính lái. Điều này không chỉ làm khó mô-tơ, cơ cấu cần gạt mà còn làm tăng nguy cơ bị xước kính lái.

Gioăng kính lái và kính cửa sổ

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều đã trở thành "kẻ thù" của một số chi tiết cao su ngoại thất trên xe ô tô khiến chúng nhanh bị thoái hóa, bị chai cứng hay nứt gãy gây ra tiếng kêu do cửa kính không được khít chặt. Ngoài ra, gioăng hỏng sẽ làm giảm khả năng chống ồn và làm ca-bin càng trở nên ồn hơn.

 

Các chuyên gia khuyên rằng khi kính cửa sổ bị bụi bẩn bám nhiều, nên hạn chế tối đa việc lên/ xuống kính bởi ngay cả khi gioăng cửa sổ vẫn còn mới nhưng bụi bẩn, bùn đất bám nhiều không được gạt hết sẽ chui vào bên trong khiến kính cửa sổ bị xước, kẹt hay các chất bẩn sẽ làm gioăng cao su nhanh bị thoái hóa.

Lớp sơn xe ô tô

Có rất nhiều "thủ phạm" gây hại cho lớp sơn xe ô tô khiến chúng bị xuống cấp nghiêm trọng. Nước sơn sáng bóng như gương của chiếc xe ô tô mới xuất xưởng sẽ không còn chỉ sau khoảng một năm sử dụng và thay vào đó là hàng triệu hết xước li ti.

Lời khuyên hữu ích dành cho bạn khi chăm sóc và bảo vệ sơn xe là không nên dùng khăn lau khi xe bị bám quá nhiều bụi bẩn mà hãy rửa xe và dùng khăn để lau khô nước chứ không phải bụi bẩn.

Khi rửa xe, cần phải dùng súng phụt nước áp suất cao để "thổi bay" các chất bẩn trước khi tiến hành rửa bằng hóa chất chuyên dùng. Một số vị trí bẩn hơn như: nẹp hông, chắn bùn, cản trước/ sau,... cần được rửa riêng.

(Nguồn: https://cartimes.tapchicongthuong.vn/nhung-luu-y-khi-tan-trang-ngoai-that-o-to-16406.htm)